Việc khởi sự và phát triển hoạt động kinh doanh của riêng bạn luôn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Và để có thể vươn tới thành công, bạn còn cần phải có năng lực và tính cách của một nhà lãnh đạo. Hãy quan sát những phẩm chất dưới đây xem bạn thuộc nhóm nào và tìm xem bạn cần bổ sung cho mình những phẩm chất nào. Liệu bạn có phải là Bill Gates – một người có tầm nhìn bao quát, hay là nhà cải cách như Anita Roddick – người sáng lập The Body Shop?
Phẩm chất doanh nhân là nét đặc trưng cá nhân và thể hiện tính cách của bạn, đồng thời chúng cũng “pha trộn” con người bạn với các nhu cầu của hoạt động kinh doanh. Khi bạn hiểu được bản thân có những phẩm chất nào, bạn sẽ có thể cống hiến cho công việc phần tinh túy và ưu việt nhất của mình. Bên cạnh đó, hãy cố gắng tận dụng sự giúp đỡ của người khác trong những lĩnh lực mà bạn thấy mình không chuyên sâu lắm.
Nào, giờ thì bạn hãy thử tự đánh giá năng lực bản thân và tìm hiểu cách bạn điều hành công ty của mình theo hình mẫu nào?
1. NGƯỜI ĐỔI MỚI
Ví dụ: Anita Roddick, nhà sáng lập Công ty The Body Shop.
Nếu bạn đang điều hành công ty của mình theo hướng luôn tìm đến cái mới, thì nghĩa là bạn đang tập trung vào việc sử dụng doanh nghiệp như một phương tiện để cải tạo cả thế giới. Cơ chế hoạt động của bạn sẽ là: cố gắng điều chỉnh công ty khi nó phát triển chệch hướng so với sự vận động chung của toàn thế giới, đồng thời sửa chữa những sai lầm đó. Mẫu nhà lãnh đạo này luôn có một khả năng kiên định và lãnh đạo công ty một cách liêm chính và có đạo đức.
Lưu ý: Hãy cẩn thận đừng để xu hướng và tính cách này của bạn trở thành chủ nghĩa cầu toàn. Khi đó bạn có thể phải nhận những lời chỉ trích từ nhân viên và khách hàng của mình.
2. NGƯỜI KHUYÊN BẢO
Ví dụ: John W. Nordstrom, nhà sáng lập công ty Nordstrom.
Đây là những người luôn nhiệt tình giúp đỡ khách hàng, đồng thời đưa ra cho họ những lời khuyên có giá trị. Phương châm làm việc của họ là: Khách hàng bao giờ cũng đúng và chúng ta phải làm bất cứ điều gì để thoả mãn yêu cầu của khách hàng. Công ty được thành lập bởi những nhà lãnh đạo có phẩm chất như thế này sẽ lấy khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động.
Lưu ý: Những nhà lãnh đạo này thường chỉ quan tâm tới yêu cầu cần được đáp ứng của doanh nghiệp và khách hàng của họ, nên đôi khi có thể quên nhu cầu của bản thân mình.
3. SIÊU SAO
Ví dụ: Donald Trump, Giám đốc điều hành công ty Trump Hotels & Casino Resorts.
Là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân dựa trên năng lực đặc biệt của bản thân và đã trở thành những nhà lãnh đạo thành công. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo có phẩm chất này thường hay điều hành công ty vì lợi ích của riêng bản thân mình hơn là vì lợi ích chung của công ty và của toàn xã hội.
Lưu ý: Những nhà lãnh đạo này thường có khả năng cạnh tranh rất cao và rất ham công tiếc việc.
4. NGHỆ SỸ
Ví dụ: Scott Adams, chuyên gia thiết kế của công ty Dilbert.
Đây là những người kín đáo, song lại rất có khả năng sáng tạo. Chúng ta thường thấy loại tính cách này ở các nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực yêu cầu óc sáng tạo rất lớn, ví dụ như thiết kế trang Web, thiết kế phần mềm và quảng cáo. Vì là một người có óc nghệ thuật nên bạn sẽ xây dựng và phát triển công ty của mình dựa trên những tài năng và óc sáng tạo sẵn có.
Lưu ý: Bạn có thể rất nhạy cảm với những phản ứng của khách hàng, thậm chí có thể là phản ứng thái quá, không cần thiết. Lời khuyên cho những nhà lãnh đạo này là hãy biết kiềm chế hoặc bỏ qua những cảm xúc bất lợi đấy.
5. NGƯỜI BIẾT NHÌN XA
Ví dụ: Bill Gates, nhà sáng lập Tập đoàn MicroSoft Inc.
Các công ty được thành lập bởi những nhà lãnh đạo có phẩm chất này sẽ phát triển dựa trên tầm nhìn về tương lai và sự suy đoán của nhà lãnh đạo. Họ rất tò mò muốn khám phá thế giới bên ngoài, xem những yếu tố gì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của công ty về lâu dài, đồng thời có khả năng xây dựng nên những kế hoạch nhằm khắc phục và xoá bỏ những trở ngại tiềm ẩn mà những người khác khó có thể thấy được.
Lưu ý: Những nhà lãnh đạo này thường tập trung vào tương lai, mà đôi khi thiếu quan tâm đến hiện tại. Hãy hành động một cách thực tế để vươn tới viễn cảnh mà bạn đang mường tượng.
6. NHÀ PHÂN TÍCH
Ví dụ: Gordon Moore, nhà sáng lập Tập đoàn Intel.
Đối với những nhà lãnh đạo có khả năng phân tích cao, công ty của họ sẽ phát triển dựa trên sự tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thuộc lỗi hệ thống. Một số lĩnh vực điển hình cần phải có những phẩm chất như thế này là các ngành khoa học, những lĩnh vực chuyên về máy móc và máy tính. Đối với những công ty chuyên kinh doanh trong các lĩnh vực này, nhà lãnh đạo thường tỏ ra vượt trội hơn trong việc giải quyết các vấn đề vĩ mô.
Lưu ý: Hãy cẩn thận khi bạn tính toán và mất cảnh giác với những con số. Hãy làm việc dựa trên lòng tin vào người khác.
7. NGƯỜI CÓ ÓC THỰC TẾ
Ví dụ: Malcolm Forbes, nhà xuất bản Tạp chí Forbes.
Đây là những người luôn luôn tràn ngập sự mạnh mẽ, tự tin và lạc quan. Công ty của bạn sẽ hoạt động và phát triển dựa trên yêu cầu thực tế của thị thường và sẽ làm cho khách hàng cảm thấy yên tâm, tin tưởng vào sự phát triển lâu dài của công ty. Họ sẽ cảm nhận được rằng thái độ của công ty đối với khách hàng là thái độ đáng tin cậy.
Lưu ý: Bạn có thể giao phó quá nhiều việc cho nhân viên hoặc hứa hẹn quá nhiều với khách hàng, và đôi khi lại còn hành động một cách hấp tấp. Tốt nhất là bạn hãy cố gắng cân bằng giữa bản tính hấp tấp của bạn với các kế hoạch của công ty mình.
8. NGƯỜI ANH HÙNG
Ví dụ: Jack Welch, giám đốc điều hành của General Electric.
Bạn có một ý chí khác thường, bạn có khả năng lãnh đạo thế giới và giúp cho công ty của bạn vượt qua thử thách. Bạn là mẫu nhà lãnh đạo điển hình và bạn có khả năng điều hành những công ty lớn.
Lưu ý: Vì có những khả năng phi thường như vậy, nên nếu bạn dùng thủ đoạn để đạt được mục đích, thì điều đó sẽ làm công ty của bạn không thể phát triển lâu dài. Để có thể thành công, bạn cần phải vận dụng khả năng lãnh đạo của mình để giúp đỡ những người khác cùng phát triển như bạn vậy.
9. NGƯỜI HÒA GIẢI
Ví dụ: Ben Cohen, nhà đồng sáng lập Công ty Ben & Jerry’s Ice Cream.
Nếu bạn thuộc loại người này, bạn sẽ mang đến cho công ty của mình sự hài hoà, thân thiện. Bạn không có khả năng cãi nhau với người khác, cũng như ít khi giữ tâm trạng bực tức trong thời gian dài.
Lưu ý: Do bản tính cẩn thận, ôn hòa và khả năng hòa giải nên bạn có thể tránh được những xung đột không cần thiết, cũng như ít khi phải suy tính quá nhiều. Hãy sử dụng những kịch bản khác nhau để chuẩn bị đối phó với mọi cuộc xung đột.
LỜI KẾT
Mỗi một phẩm chất, tính cách đều có thể dẫn bạn đến thành công trong môi trường kinh doanh, chỉ cần bạn luôn sống thật với tính cách của mình. Việc biết rõ những ưu điểm của bản thân có thể giúp bạn phát triển công ty còn nhỏ bé của bạn, và nếu bạn đang có ý định liên kết hoạt động cùng với một tổ chức khác, thì những hiểu biết đó càng trở nên vô giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét