Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

BẠN CÓ THỰC SỰ BIẾT LẮNG NGHE?

Bạn có phải là người biết lắng nghe? Hầu như mọi người đều nghĩ như vậy. Nhưng tôi sẽ cho bạn biết một bí mật: Sự thật là hầu hết trong chúng ta không thực sự biết lắng nghe đâu.
 
Bạn không tin tôi ư? Hãy thử một thí nghiệm như sau. Hãy tới cửa hàng tạp hóa, bưu điện, hoặc nhà hàng yêu thích của bạn - bất cứ nơi nào mà mọi người tương tác với nhau - và lắng nghe các cuộc đàm thoại xung quanh bạn. Bạn sẽ thấy , hầu hết chúng ta nghĩ rằng việc lắng nghe là điều tự nhiên như hơi thở. Chúng ta nghe những gì người khác nói, và sau đó trả lời như một quả bóng tenis được đánh qua lại qua lưới. Nhưng trong thực tế, rất ít người biết lắng nghe một cách hiệu quả, phần lớn trong số họ đã được đào tạo chuyên nghiệp. Nếu trở thành một trong số họ, bạn sẽ thành công hơn khi tương tác với mọi người trong mọi tình huống.


Khả năng lắng nghe hiệu quả, tốt hơn nên gọi là lắng nghe tích cực hoặc lắng nghe có phản xạ, là một hành động quan tâm chu đáo khiến mọi người cảm thấy thực sự thoải mái. Dưới đây là các bước bạn cần thực hiện để lắng nghe sao cho hiệu quả.

1. THỂ HIỆN SỰ CHÚ Ý HOÀN TOÀN

Nói cách khác, hãy dành cho mọi người thời gian và không gian để kể câu chuyện của họ, bằng cách sử dụng thứ mà các nhà tâm lý gọi là "những khích lệ tối thiểu": ánh mắt, những cái gật đầu, hoặc những cụm từ ngắn như “Thú vị thật!” "Chắc chắn rồi" để thể hiện rằng bạn chú ý đến những gì họ nói.

2. DIỄN GIẢI LẠI LỜI CỦA NGƯỜI KHÁC

Diễn giải là một kỹ năng đơn giản, máy móc, và có ảnh hưởng mạnh mẽ. Bạn tiếp thu những lời nói của họ, gói gọn chúng bằng ngôn ngữ của bạn, và truyền lại suy nghĩ đó cho chính họ. Thông qua quá trình này, bạn cho họ biết ba điều quan trọng: bạn đã nghe họ nói, bạn đã xử lý những gì họ đang nói, và rằng những điều đó đủ an toàn để đôi bên có thể trao đổi.

3. CHIA SẺ NHỮNG SUY NGHĨ HAY KIẾN ​​THỨC CỦA BẠN

Lắng nghe tích cực không chỉ là chuyện nghe ngóng và phản ánh những gì người khác nói. Nếu chỉ liên quan đến hai yếu tố đó, hầu hết các cuộc đàm thoại sẽ trở nên vô cảm như thể bạn đang nói chuyện với một chiếc gương - hoặc tệ hơn, một cuộc thẩm vấn. Hãy chia sẻ vừa đủ những thứ thuộc về bạn – suy nghĩ, kiến thức hay cảm xúc trong cuộc đàm thoại. Đó là yếu tố quan trọng để tạo nên một cuộc đối thoại thực sự.

4. CUNG CẤP THÔNG TIN PHẢN HỒI TÍCH CỰC

Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống mà bạn cảm thấy mình hết sức chăm chú lắng nghe một ai đó, nhưng họ đang tỏ ra ngày càng thất vọng hơn? Hãy đoán xem. Nguyên nhân chính là bởi bạn không cung cấp đủ phản hồi cho họ. Người biết lắng nghe sẽ đưa ra những  ​​phản hồi tốt - như, "Ồ, điều đó chắc hẳn đáng thất vọng lắm. " hoặc "Tôi thích cách bạn đang suy nghĩ đấy, Steve" – thay vì chỉ “nghe” một cách thụ động.

5. ĐƯA RA MỘT BẢN TÓM TẮT CHỦ ĐỘNG

Hãy kết thúc cuộc trò chuyện với một bản tóm tắt về những gì cả hai đã thảo luận . Tôi gọi nó là "hoá đơn bằng lời nói." Rất ít người từng làm điều này, và khi thực hiện nó, bạn sẽ trông có vẻ là người thông minh nhất trong phòng.

LỜI KẾT

Quá trình năm bước này sẽ thay đổi tất cả những gì mọi người nghĩ về bạn, cũng như bạn thực sự lắng nghe người khác nhiều đến bao nhiêu. Hãy thử nó, và bạn sẽ thấy cả những mối quan hệ kinh doanh hay cá nhân của bạn sẽ trở nên phong phú hơn, sâu sắc hơn, và thành công hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét